Muỗi cái giao phối với muỗi này sẽ không sinh con hoặc con sẽ chết yểu
KUALA LUMPUR, Malaysia (AP) - Malaysia thả khoảng 6,000 con muỗi đã được
cải biến về mặt di truyền vào một khu rừng trong cuộc thực nghiệm đầu
tiên thuộc loại này ở Á Châu nhằm chống lại bệnh sốt xuất huyết (dengue
fever), viên chức nước này cho biết hôm Thứ Tư. Cuộc thí nghiệm này nhằm dọn đường cho việc sử dụng muỗi đực thuộc giống
Aedes aegypti đã được cải biến gene để giao phối với muỗi cái mà không
sinh ra muỗi con, hoặc chỉ sinh ra những con muỗi chết yểu, do đó giảm
thiểu dân số loài muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Chỉ có những con muỗi
cái Aedes aegypti mới lan truyền bệnh sốt xuất huyết, căn bệnh đã giết
chết 134 người ở Malaysia trong năm ngoái.
Một cuộc thử nghiệm tương tự ở quần đảo Cayman vào năm ngoái - lần đầu
tiên những con muỗi đã được cải biến di truyền được phóng thích vào đời
sống hoang dã sau những năm thực nghiệm trong phòng thí nghiệm và những
tính toán có tính cách giả thuyết - đưa tới một sụt giảm đáng kể trong
dân số muỗi trong một vùng nhỏ được các nhà nghiên cứu khảo sát.
Kế hoạch bị một số nhà môi trường Malaysia chỉ trích; họ sợ rằng nó có
thể gây ra những hậu quả không lường trước được, chẳng hạn như sự phát
sinh không chủ tâm những con muỗi đột biến không kiểm soát được. Những
người chỉ trích cũng nói những kế hoạch như vậy đưa tới một khoảng trống
trong hệ sinh thái rồi ra sẽ được trám bởi những loài muỗi khác, có
tiềm năng đưa tới những bệnh mới.
Các giới chức chính phủ đã cố xoa dịu những lo ngại bằng cách nói rằng
họ đang thực hiện một cuộc nghiên cứu với quy mô nhỏ và sẽ không vội vã
đi tới việc phóng thích rộng lớn những con muỗi đổi gene.
Viện Nghiên Cứu Y Khoa do chính phủ Malaysia điều hành nói họ đã phóng
thích khoảng 6,000 con muỗi đã bị triệt sản trong phòng thí nghiệm tại
một khu rừng không có người ở thuộc miền đông Malaysia vào ngày 21 tháng
12. Khoảng 6,000 con muỗi đực Aedes aegypti sống hoang khác cũng được
đặt trong vùng để so sánh về mặt khoa học, viện nói trong một bản tuyên
bố.
Viện đã không cung cấp nhiều chi tiết về cuộc thực nghiệm, nhưng nói họ
đã kết thúc “một cách thành công” vào ngày 5 tháng 1, và rằng tất cả
những con muỗi đã bị giết chết bằng thuốc trừ sâu. Viện nói hiện giờ họ
không có dự tính phóng thích thêm muỗi cho tới khi họ phân tích các kết
quả.
Ông Duane Gubler, một giáo sư chuyên về bệnh truyền nhiễm tại trường y
khoa Duke-NUS của Singapore, người không liên hệ tới cuộc nghiên cứu,
nói kế hoạch có thể hiệu nghiệm trong việc chống sốt xuất huyết nếu nó
được phối hợp với những biện pháp kiểm soát sinh học khác.
“Chúng ta cần những công cụ mới. Những gì chúng ta đã làm trong 40 năm
qua đã không có một hiệu quả gì đối với bệnh sốt xuất huyết,” ông nói.
Sử dụng những sâu bọ đực đã được đổi gene chống lại loài ruồi giấm
(fruit flies) và những loài ruồi khác gây hại ở trâu bò đã thành công
tại những nơi như Hoa Kỳ, ông nói. Ông nói thêm rằng các nhà môi trường
không nên lo ngại, bởi vì những con muỗi được cải biến gene sẽ chết một
cách nhanh chóng.
Tại quần đảo Cayman, những con muỗi đực vô sinh được cải biến gene cũng
đã được các khoa học gia thả ra trên một vùng có diện tích 16 héc ta (40
acres) trong khoảng tháng 5 và tháng 10 năm ngoái. Vào tháng 8, số muỗi
trong vùng đó đã giảm khoảng 80% so với một vùng lân cạn nơi không có
muỗi vô sinh được phóng thích.
Bệnh sốt xuất huyết thường thấy tại Á Châu và Mỹ La Tinh. Các triệu
chứng gồm sốt cao, đau khớp và buồn ói, nhưng trong những trường hợp
nặng, nó có thể đưa tới xuất huyết nội, làm máu ngưng lưu thông và tử
vong. Hiện nay không có cách chữa trị hoặc thuốc chủng ngừa nào.